Sự hài hòa và phát triển đồng đều giữa yếu tố con người và thiên nhiên môi trường là tiêu chí hàng đầu trong việc phát triển du lịch Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng.
Tiềm năng phát triển du lịch bền vững du lịch sinh thái đảo Phú Quốc
Phú Quốc là điểm đến du lịch lớn nhất cả nước và có khả năng cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế. Với vị trí địa lý thuận lợi nên có nhiều lợi thế phát triển các ngành kinh tế, trong đó đặc biệt là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ồ ạt mà thiếu các biện pháp quản lý ô nhiễm đã tác động rất lớn tới chất lượng môi trường, cảnh quan và người dân bản xứ.
Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, án ngữ phía Tây Nam của lãnh thổ Việt Nam, cách thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) 125km, cách thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) 46km, và cách thành phố Hồ Chí Minh 350km; gần với các nước láng giềng trong khu vực, nằm trên đường hàng hải quốc tế Xihanucvin (Campuchia) – thành phố Hồ Chí Minh, Bangkok (Thái Lan) – thành phố Hồ Chí Minh, nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương qua bán đảo Malaysia, Phú Quốc rất thuận lợi cho phát triển đường hàng không và đường biển, thuận tiện giao lưu kinh tế, nối tuyến du lịch với các đảo vùng vịnh Thái Lan và các tỉnh thành phố phía Nam Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, đảo Phú Quốc có địa hình rất phong phú và đa dạng, là điều kiện cho phát triển du lịch sinh thái. Nét chung nhất của địa hình đảo Phú Quốc là núi thấp xen các đồng bằng nhỏ hẹp phân bậc. Các đỉnh núi cao, tuy không phải là các dãy núi hùng vĩ nhưng với những đỉnh cao và với hai bờ bất đối xứng cũng là những vị trí đặc thù để du khách khám phá, thưởng ngoạn và thử sức chinh phục với các đỉnh cao, sườn dốc, vách đá, thác nước, đèo cao, khe sâu, các bãi đá đổ… Địa hình bờ biển xen lẫn với những bãi cát trắng dài, độ dốc thoải vừa phải, chất lượng nước biển tốt tạo nên những bãi tắm đẹp lý tưởng thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Tại Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng, việc phát triển du lịch gắn liền với môi trường và nhân tố con người đã được định hướng ngay từ đầu. Đến nay, Phú Quốc đã trở thành 1 trong những địa điểm du lịch thu hút nhiều người trong và ngoài nước. Với việc nâng cao cơ sở hạ tầng nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan và hệ thực vật, Phú Quốc vẫn giữ được vẻ hoang sơ bên cạnh nhiều resort cao cấp.
> Đọc thêm: Lên thành phố biển năm 2020, đất Phú Quốc có thể tăng đến 50%
Phát triển du lịch sinh thái huyện đảo Phú Quốc
Phú Quốc có đường bờ biển bao quanh đảo dài khoảng 150km, có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ, điển hình là bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dinh Cậu, bãi Dài… Đây là những bãi tắm lý tưởng có bờ cát vàng trải dài với nước biển trong xanh, êm đềm, cùng nhiều loài tảo biển mang màu sắc hấp dẫn, tạo cho du khách sự thích thú lạ kỳ. Trong vùng biển quanh đảo Phú Quốc có nhiều rạn san hô có giá trị du lịch. Đặc biệt đây cũng là một trong hai vùng biển ở Việt Nam hiện còn tồn tại loài bò biển (Dugon) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch và các nhà khoa học.
Phú Quốc có nhiều dãy núi chạy từ Nam đến Bắc với 99 ngọn núi đồi. Theo thống kê, Vườn quốc gia Phú Quốc có một hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ. Đặc biệt, rừng nguyên sinh Phú Quốc còn có cây dó bên trong có lõi trầm hương và kỳ nam rất quý. Rừng nhiệt đới thường xanh ở Vườn quốc gia Phú Quốc là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái như: tham quan học tập về rừng nhiệt đới, cắm trại, thể thao leo núi, nghiên cứu khoa học kết hợp nghỉ ngơi…
Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp với diện tích gần 7.000ha, chủ yếu là hồ tiêu, điều, dừa… là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc biệt, hiện rất hấp dẫn khách du lịch đến tham quan. Hiện nay, các vườn tiêu đã được đưa vào danh mục những điểm đến trong các tour Phú Quốc.
Với quan điểm cần tập trung phát triển Du lịch Phú Quốc nhanh và bền vững, có trọng điểm; phát triển du lịch đồng bộ trong mối quan hệ liên ngành chặt chẽ; phát triển cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt, phát triển Du lịch Phú Quốc theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển chất lượng cao, tương xứng với tiềm năng và vị thế của Phú Quốc.
Du lịch sinh thái được xác định là loại hình du lịch được ưu tiên trong chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam nhằm hỗ trợ cho mục tiêu phát triển bền vững. Thế nhưng, khó khăn hiện nay là chưa có một chiến lược phát triển du lịch sinh thái ở tầm quốc gia. Vì thế, dù được khuyến khích phát triển nhưng đến nay, các chính sách cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vẫn chưa rõ ràng. Điều này đồng nghĩa với việc du lịch sinh thái phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của thị trường.
> Đọc thêm: 10 Mẫu thiết kế nhà hiện đại đẹp khó cưỡng khiến ai cũng trầm trồ
> Đọc thêm: Chủ đầu tư Meyhomes Phú Quốc là ai?