“Cơn lốc xoáy vào những tháng cuối năm 2022 vừa qua đi đã để lại những tổn thất nặng nề và những bài học quý giá đối với tôi cũng như đối với tất cả thành viên của Tập đoàn Novaland”, ông Bùi Thành Nhơn cho biết.
Tái cấu trúc linh hoạt
Ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa có thông điệp gửi cổ đông, khách hàng và đối tác. Tại đây, ông Nhơn một lần nữa khẳng định, tập đoàn Novaland đang tập trung hành động cho chiến lược tái cấu trúc toàn diện, đặc biệt là tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi là đầu tư và phát triển bất động sản.
Hiện tại, Novaland đang làm việc với các đơn vị tư vấn, tổ chức tài chính để xây dựng lại cấu trúc tài chính, mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức, đặc biệt chú trọng công tác quản trị rủi ro và tính tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhìn lại năm 2022, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn đánh giá đây là một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam. “Cơn lốc xoáy vào những tháng cuối năm 2022 vừa qua đi đã để lại những tổn thất nặng nề và những bài học quý giá đối với tôi cũng như đối với tất cả thành viên của Tập đoàn Novaland”, ông Nhơn nói.
Theo ông Nhơn, Tập đoàn Novaland cũng như các doanh nghiệp xây dựng và bất động sản khác, đang nhất thời đối diện với khó khăn tài chính và thanh khoản ngắn hạn. Tuy nhiên, với những nỗ lực Novaland đã làm được trong quý IV/2022 và sự nỗ lực tiếp tục trong năm 2023 cùng với những kế hoạch cụ thể, chiến lược tái cấu trúc thực tiễn với nhiều giải pháp linh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn sẽ sớm hồi phục trong quý III năm nay.
Trong khi đó, ông Dennis Ng Teck Yow – Tổng Giám đốc Novaland – cho biết, công ty đang thương lượng, đàm phán để thu xếp nguồn vốn, song song đó phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các dự án trong thời gian sớm nhất.
Từ quý II, Novaland sẽ tập trung làm việc với các đối tác tài chính, nhà thầu thi công để sớm đưa vào triển khai các dự án trung tâm TPHCM và các đô thị Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram.
“Năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn kinh tế 2021 – 2025. Đây cũng sẽ là một năm để đo lường nội lực, sức bền và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Bản chất bất động sản có tính chu kỳ, khi đi hết chu kỳ sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên”, ông Dennis Ng Teck Yow nói.
Bạn đang xem: » Ông Bùi Thành Nhơn nói về ‘cơn lốc xoáy’ gây tổn thất cho tập đoàn Novaland
Đã giải chấp hàng ngàn tỷ đồng
Novaland đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 với ý kiến của tổ chức kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của Novaland phụ thuộc vào việc công ty có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh.
Giải trình về việc hoạt động liên tục, Novaland cho biết, tại ngày 31/12/2022, công ty đang có 5.537 tỷ đồng đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng cho vay. Novaland đang đàm phán với các ngân hàng để giải phóng số tiền đang bị giới hạn sử dụng không đúng theo hợp đồng tín dụng.
Tính đến ngày ngày 17/4, Novaland đã đạt được thỏa thuận với các ngân hàng về việc giải chấp số tiền 2.498 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và Ban Tổng giám đốc cho rằng, Novaland sẽ đạt được thỏa thuận với các ngân hàng còn lại.
Để bổ sung dòng tiền, Tập đoàn Novaland đã được cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo kế hoạch, công ty sẽ phát hành 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Số tiền thu được từ phát hành mới khoảng 19.500 tỷ đồng sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ, thanh toán chi phí lương và đầu tư vào dự án của tập đoàn. Ngoài ra, Novaland có kế hoạch phát hành 975 triệu cổ phiếu thông qua phát hành riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 9.750 tỷ đồng.
Về việc tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu, tại ngày 31/12/2022, tổng số nợ vay và nợ trái phiếu là 64.869 tỷ đồng. Tại thời điểm lập báo cáo tài chính, Novaland đã thanh toán được 1.985 tỷ đồng trên dư nợ gốc. Với số dư nợ còn lại, tập đoàn đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thanh lý một số tài sản thuộc sở hữu của các bên liên quan.
“Novaland đang trên hành trình trở thành thương hiệu quốc dân, tài sản và giá trị của Novaland tạo ra là tài sản của xã hội, các dự án đô thị của Novaland phát triển không đơn thuần là những dự án bất động sản mà là những công trình phát triển cộng đồng gắn liền với sự phát triển kinh tế quốc gia” , ông Nhơn nhấn mạnh.
Kết thúc năm 2022, Novaland ghi nhận doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra và gần 2.182 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt hơn 33% mục tiêu đề ra.
Quy mô tổng tài sản đạt hơn 257.700 tỷ đồng, tăng gần 28% so với đầu năm chủ yếu tăng ở tồn kho và phải thu ngắn hạn. Nợ phải trả tăng 32% trong năm vừa qua, trong đó nợ vay tài chính tăng 6% lên mức gần 65.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Novaland còn có gần 16.000 tỷ đồng giá trị người mua trả tiền trước ngắn hạn, gần gấp đôi so với đầu năm.