Những ngày vừa qua, thị trường Phú Quốc nhìn nhận sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục chủ trương lập Quy hoạch Phú Quốc theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế Đặc biệt.
> Đọc thêm: “Sóng” Bất động sản Phú Quốc – dập dềnh cùng “định hướng” Đặc khu kinh tế.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 11 và quy định pháp luật về quy hoạch. Đồng thời, tỉnh tổ chức lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 739 ngày 8/6.
Tại văn bản số 739, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Kiên Giang tổ chức triển khai lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc và lập mới quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Về việc lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc UBND tỉnh Kiên Giang thực hiện thủ tục lựa chọn và chỉ định thuê tư vấn nước ngoài theo quy định. Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng.
Mới đây, tỉnh Kiên Giang đề nghị cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc .
Theo tỉnh Kiên Giang, nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật quy hoạch sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng tiếp các mục tiêu, phương hướng phát triển, cản trở quá trình thu hút kêu gọi đầu tư vào đảo Phú Quốc.
Đơn cử, theo quyết định 178 năm 2004, chỉ tiêu đến năm 2020 Phú Quốc sẽ đón 2 triệu lượt du khách, nhưng hiện đảo Phú Quốc đã đón gần 3 triệu lượt du khách.
Các hệ thống hạ tầng quan trọng như điện, cấp nước, giao thông, sân bay… đều đã hoặc sắp quá tải.
Hiện tại, ngành điện đã thi công đường cáp điện thứ 2 đưa điện từ đất liền ra đảo. Riêng việc mở rộng sân bay quốc tế Phú Quốc buộc phải dựa vào quy hoạch mới lập dự án.
Đó là lý do tỉnh Kiên Giang phải lựa chọn phương án lập quy hoạch khu kinh tế Phú Quốc trước, không thể chờ Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vì chưa biết thời điểm Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua.
Tuy nhiên, trong văn bản cho ý kiến về việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc gửi tới Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng theo quy định của Luật quy hoạch 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành không bao gồm lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, kiến nghị lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng khu kinh tế không phù hợp với quy định của Luật quy hoạch.
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Kiên Giang cần lập quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo định hướng thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc giai đoạn tới. Tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Qua trao đổi, ngày 21-9, ông Mai Anh Nhịn – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – cho hay chỉ mới nghe thông tin qua báo chí chứ chưa nhận được Văn bản chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp tục lập quy hoạch đảo Phú Quốc theo hướng đặc khu kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nhịn khẳng định việc giữ định hướng đưa Phú Quốc trở thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt vẫn không có gì thay đổi. Lập quy hoạch khu kinh tế hay bất cứ quy hoạch gì đi nữa cũng đều đảm bảo định hướng này.
“Thực chất, khi có Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, chúng tôi sẽ đưa quy hoạch này vào để định hướng phát triển. Tức Phú Quốc vẫn giữ nguyên định hướng trở thành đặc khu” – ông Nhịn nói.
Cho ý kiến về việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc thời gian qua, Bộ Tài chính cũng cho rằng hiện không còn quy hoạch khu kinh tế, nội dung quy hoạch khu kinh tế đã được Luật quy hoạch tích hợp vào quy hoạch tỉnh nên không có cơ sở pháp lý để lập quy hoạch khu kinh tế.
Bộ Tài chính cũng cho biết theo quy định của Luật quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia chỉ quy định 5 loại quy hoạch.
Quy hoạch cấp quốc gia bao gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định; quy hoạch đô thị, và quy hoạch nông thôn.
> Đọc thêm: Bất động sản Phú Quốc: Dù không Đặc Khu vẫn có thiên đường!
Mới đây, ngày 20 tháng 9 năm 2019 – Thủ tướng chính phủ đã có Công văn số 1193TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ Vv chủ trương lập Quy hoạch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo định hướng Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt.
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (văn bản số 867/UBND-KTTH ngày 08 tháng 7 năm 2019), ý kiến của các Bộ: Xây dựng (các văn bản (các văn bản: số 1839/BXD-QHKT ngày 07 tháng 8 năm 2019 và số 1655/BXD-QHKT ngày 16 tháng 7 năm 2019), Tư pháp (văn bản số 2995/BTP-PLDSKT ngày 08 tháng 8 năm 2019), Kế hoạch và Đầu tư (văn bản số 5554/BKHĐT-KTĐPLT ngày 07 tháng 8 năm 2019), Tài chính (văn bản số 10000/BTC-NSNN ngày 27 tháng 8 năm 2019) về việc triển khai lập quy hoạch đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang theo định hướng khu kinh tế, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 và quy định pháp luật về quy hoạch; đồng thời tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 739/TTg-CN ngày 08 tháng 6 năm 2018, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch có liên quan và quy định của pháp luật./.
Qua 2 công văn số 739TTg-CN và số 1193TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy được Phú Quốc vẫn được quy hoạch theo định hướng Đơn vị hành chính – kinh tế Đặc biệt.