Tại hội thảo “ Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới” diễn ra sáng ngày 11/08 vừa qua, TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam đã trình bày tham luận: Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc nhìn từ quy hoạch Phú Quốc đến năm 2024
Nhiệm Vụ Quy Hoạch Chung Thành Phố Phú Quốc Đến Năm 2040
Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích khoảng 589,23km² (xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960).
Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120km và cách thị xã Hà Tiên 45km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tiềm năng du lịch Phú Quốc có thể so sánh với Maldives, Phuket (Thailand), Bali (Indonesia), Jeju (Hàn Quốc)…
Ngày 11/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030 (Quyết định số 633/QĐ-TTg) và ngày 17/6/2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định số 868/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030…
Tuy nhiên sau khi thành phố Phú Quốc được thành lập, việc lập quy hoạch chung thành phố là cần thiết và cấp bách. Bởi vậy, tại Quyết định 767/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040, với các tính chất nổi trội:
- Đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I.
- Là khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế, trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế.
- Là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.
- Là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực.
- Có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Về tầm nhìn, phát triển Phú Quốc trở thành:
- Thành phố Đảo Ngọc, Khu du lịch Quốc gia
- Khu kinh tế Quốc gia có vị thế địa chính trị đặc biệt
- Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia
Quan điểm
Về quan điểm, cần nhận thức một cách sâu sắc, trong lộ trình từng bước đi của mình, Phú Quốc phải thực sự trở thành Đảo Ngọc – một thương hiệu lừng danh có tính toàn cầu… cho dù trong tương lai nó sẽ phải đi qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo khác nhau.
Phú Quốc là đô thị biển; là khu kinh tế nên phát triển đô thị cơ bản theo hướng tổng hợp đa ngành chứ không chỉ còn dựa vào trụ cột là du lịch như hiện nay. Theo đó, việc thu hút đầu tư để phát triển 4 trụ cột: Công nghiệp giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính ngân hàng và kinh tế biển.
Tổng thể
Về tổng thể, cần cân nhắc bài toán ngưỡng hoặc khả năng dung nạp, chịu tải của môi trường, cảnh quan đảo Phú Quốc trong phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch… trên cơ sở khống chế, quản lý cơ cấu sử dụng đất và không gian chức năng theo hướng thân thiện, bền vững…
Quy hoạch hướng tới phát triển bền vững, xây dựng phát triển theo kế hoạch… Càng duy trì, bảo vệ được nhiều đặc điểm điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, văn hóa bản địa… trong cấu trúc không gian tổng thể càng tốt…, giá trị thương hiệu càng được nâng cao.
Bảo vệ, duy trì nghiêm ngặt không gian rừng cảnh quan vườn quốc gia, rừng phòng hộ, các công viên chuyên đề và không gian mở. Coi đây là việc sống còn của hệ giá trị đặc hữu trên đảo…
Định hướng phát triển
Về định hướng phát triển không gian tổng thể thành phố Phú Quốc đến năm 2040, theo Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (VIUP), Phú Quốc sẽ có khoảng 12 phân vùng phát triển dựa theo các đặc điểm cảnh quan, sinh thái tự nhiên, đặc điểm địa hình và các điều kiện hiện trạng khác.
Các phân vùng sẽ tận dụng các tiềm năng và cơ hội của mỗi khu vực đặc trưng trong khu vực lập quy hoạch, tạo điều kiện để Phú Quốc phát triển năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế – xã hội – cảnh quan với chất lượng tương xứng với đô thị loại 1 và thành phố du lịch quốc tế.
Theo đó, Phú Quốc sẽ phát triển các khu đô thị du lịch và các khu chức năng tại các khu vực ven biển, ven sông, dọc các hành lang sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, trong các khu vực này sẽ được tổ chức giao thông chậm, ưu tiên đi bộ, đi xe đạp, quy mô đường giao thông vừa đủ, không quá lớn để không làm suy giảm chất lượng đô thị du lịch, tạo các cấu trúc đô thị gắn bó với đặc trưng về sinh thái, cảnh quan và địa hình tại từng khu vực.
Bên cạnh đó, quy hoạch chung cũng nghiên cứu xem xét bổ sung quỹ đất phát triển mới với quy mô phù hợp, lân cận các khu dân cư hiện hữu, bổ sung chức năng và hoàn thiện không gian cho các khu vực dân cư hiện hữu, đặc biệt là các không gian công cộng, tín ngưỡng, lưu trữ và chế biến…
Bạn đang xem: » Triển Vọng Phát Triển Không Gian Đô Thị Phú Quốc Nhìn Từ Quy Hoạch Phú Quốc Đến Năm 2040
Các Giải Pháp Cụ Thể
Về các giải pháp cụ thể, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi sau:
- Thiết lập, xác định các ranh giới cụ thể bằng cách cắm mốc đối với các khu chức năng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch… như các khu vực phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp, nông thôn, các vùng cảnh quan sinh thái, vùng bảo tồn, các vùng hạn chế hoặc cấm xây dựng…
- Xây dựng đề án phát triển kiến trúc, cảnh quan trên phạm vi toàn đảo theo hướng thành phố Phú Quốc là một hòn Đảo xanh – Đảo Ngọc.
- Đối với các vùng đô thị – du lịch (khu đô thị Cửa Cạn, khu đô thị Dương Đông, khu đô thị An Thới); các vùng du lịch sinh thái (phía Bắc, Nam đảo, du lịch hỗn hợp Bãi Trường – Bãi Vòng); các làng nghề truyền thống… cần áp dụng cách tiếp cận quy hoạch mới (phương pháp, TCQC…) theo hướng phát triển đô thị xanh, du lịch sinh thái, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả… Mỗi khu đô thị phải có “cá tính” riêng.
- Nhất thiết phải tạo ra tuyến đường du lịch – cảnh quan quanh đảo/có nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, tuyến đường du lịch – cảnh quan khu vực phía Bắc đảo.
- Tạo dựng nét đặc trưng riêng về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực trọng tâm (Khu đô thị Dương Đông, An Thới…, Khu du lịch sinh thái Bãi Dài, Bãi Thơm…, làng truyền thống…). Tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, thiết kế công trình điểm nhấn…
Thành phố Phú Quốc đang có cơ hội trở thành điểm sáng phát triển trong tư duy chiến lược Quốc gia. Triển vọng phát triển không gian đô thị Phú Quốc đến năm 2040 sẽ góp phần xây dựng Phú Quốc sớm trở thành:
- Đô thị biển – đảo độc đáo, đặc sắc, hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại I
- Khu kinh tế có vị thế đặc biệt, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển – đảo đặc sắc và có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế
- Trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao của khu vực và quốc tế…