Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040

Theo Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang, Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 được triển khai như sau:

Phạm vi, ranh giới, thời hạn lập quy hoạch

  • Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch: Toàn bộ diện tích đất tự nhiên 589,27 km của thành phố Phú Quốc gồm: 02 phường (Dương Đông, An Thới), 7 xã (Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Cửa Dương, Dương Tơ, Thổ Châu) và các khu vực nghiên cứu khả năng phát triển, xây dựng trên biển tại phía Bắc và phía Nam đảo Phú Quốc. 
  • Thời hạn lập quy hoạch thành phố Phú Quốc: Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040. 
Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040
Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040

Các dự báo phát triển đô thị

Quy mô dân số

  • Đến năm 2030, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 400.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 255.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động, 
  • Đến năm 2040, dự báo dân số toàn đô thị khoảng 680.000 người, gồm dân số chính thức khoảng 430.000 người và các thành phần dân số khác như khách du lịch, lao động,…

Quy mô đất đai

  • Đến năm 2030: Đất xây dựng đô thị khoảng 9.950 ha (gồm 5.590 ha hiện trạng, 4.360 ha xây dựng mới); trong đó: đất dân dụng khoảng 3.032 ha, (chỉ tiêu khoảng 77 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 6.918 ha. 
  • Đến năm 2040: Đất xây dựng đô thị khoảng 14.785 ha, trong đó: đất dân dụng khoảng 6.042 ha, (chỉ tiêu khoảng 89 m2/người), đất ngoài dân dụng khoảng 8.743 ha. 

Bạn đang xem: » Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040

Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040

Dưới đây là chi tiết Quy hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Phú Quốc đến năm 2040:

Định hướng quy hoạch giao thông

Cảng hàng không

Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Đến năm 2030: Công suất 10 triệu hành khách/năm; sau năm 2030: Công suất 18 triệu hành khách/năm. 

Cảng biển

  • Khu bến Phú Quốc:
    • Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước khu vực đảo Phú Quốc. 
    • Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố Phú Quốc; có bến hành khách quốc tế kết hợp làm hàng tổng hợp. 
    • Cỡ tàu: Tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu tổng hợp đến 30.000 tấn
  • Các bến cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ 
    • Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố Phú Quốc; có bến tổng hợp bến khách, phà biển, bến du thuyền. 
    • Cỡ tàu: Trọng tải đến 3.000 tấn.
  • Bến cảng Thổ Châu: Bến tiếp nhận hành khách, hàng hóa phục vụ du lịch và kinh tế – xã hội đảo Thổ Châu và các đảo lân cận.

Đường bộ

  • Nâng cấp, cải tạo kết hợp mở mới hệ thống trục đường chính Bắc Nam (40 – 60m), một số trục đường ngang Đông Tây (30 – 40m). 
  • Xây dựng hệ thống đường khu vực (15 – 30m) tại các khu du lịch, khu vực phát triển đô thị (Bãi Trường, Bãi Vòng, Bãi Cửa Cạn, Bãi Ông Lang), phường Dương Đông, An Thới. 
  • Khuyến khích phát triển giao thông phi cơ giới: Bố trí hệ thống đường dành riêng cho khách du lịch và cư dân có nhu cầu đi xe đạp và xe đạp điện, hệ thống đường dạo ven biển với mục đích thể thao, bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống các điểm sạc điện, thuê xe thích hợp. Nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang hệ thống vỉa hè tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ. 

Giao thông thủy

Khuyến khích phát triển nâng cấp, cải tạo giao thông thuỷ trên sông Dương Đông, kết hợp khai thác du lịch sinh thái, sông nước và cảnh quan. Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch quanh đảo. Ưu tiên kết nối với các điểm trung chuyển giao thông đường bộ. 

Công trình giao thông

Nâng cấp, xây dựng hệ thống bãi đỗ xe tập trung tại khu vực cảng hàng không, khu vực các bến cảng, bến thủy nội địa. 

Giao thông công cộng 

  • Xây dựng 02 tuyến giao thông công cộng chuyên chở khối lượng lớn chạy trên trục đường chính Bắc Nam (ngắn hạn: Buýt nhanh BRT. Dài hạn: Tàu điện nhẹ LRT/MRT). 
  • Bố trí các tuyến xe buýt và các tuyến taxi để phục vụ du khách, khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường. Tại các ga BRT/LRT/MRT đều bố trí các bến đỗ xe buýt liên thông kết hợp phát triển loại hình TOD tại các điểm đầu mối này. 
  • Xây dựng tuyến cáp treo mới (hướng tuyến song song với tuyến cũ) kết nối khu vực đảo An Thới. 
  • Bến xe khách, bến xe buýt, taxi: Được đặt theo vị trí của các đầu mối giao thông như sân bay, bến cảng, bến tàu, các trạm dừng của tàu điện, khu trung tâm các đô thị. 
  • Tổ chức các tuyến taxi biển vòng quanh đảo nối các điểm đô thị, các khu du lịch nhằm phục vụ du khách. 
  • Từng bước nghiên cứu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân kết hợp phát triển giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường. 

Định hướng quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa

San nền 

  • Đối với khu vực ven biển đảo Phú Quốc cao độ xây dựng được xác định phù hợp kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam (khu vực tỉnh Kiên Giang), chiều cao sóng lớn nhất (phía Tây và phía Đông đảo), dự phòng an toàn 0,3 m. 
  • Đối với khu vực không chịu ảnh hưởng của sóng biển, tuân thủ theo cao độ nền khống chế đã được phê duyệt, cao độ xây dựng Hxd >3,0 m. 
  • Đối với những khu vực hiện trạng đang có cốt nền xây dựng thấp, cần nâng dần cao độ lên 3 m theo quy hoạch được duyệt. 
  • Nền xây dựng không ngập úng, dự kiến giữ cao độ như nền hiện có chỉ san lấp cục bộ nhằm ổn định nền xây dựng. 

Thoát nước mưa 

  • Nước mưa khu vực nội khu đô thị sẽ được thoát vào hệ thống cống thoát nước mưa dọc đường, rồi thoát ra các trục tiêu lân cận, sau đó thoát ra biển. 
  • Vị trí cửa xả được xây dựng ở vị trí thích hợp, tránh ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch, bãi tắm. 
  • Xây dựng hệ thống cống ngầm, mương nắp đan kết nối với hệ thống các tuyến cống thoát nước chính hiện trạng. 
  • Xây dựng hệ thống mương hở đón nước sườn núi để đón nước mưa từ các khu vực đồi núi xuống khu vực đô thị. 

Các giải pháp kỹ thuật khác 

  • Xây dựng taluy, tường chắn bảo vệ đường và khu đất với những khu chênh cao >1m. 
  • Nạo vét, khơi thông, kè bờ sông, suối với vật liệu thân thiện với cảnh quan môi trường, đảm bảo cảnh quan tự nhiên và cảnh quan khu du lịch. 

Định hướng quy hoạch cấp nước

  • Lựa chọn nguồn nước: Sử dụng các hồ Dương Đông, Suối Lớn, Cửa Cạn, Rạch Tràm, Rạch Cá và ngoài ra sử dụng thêm nước mưa, nước tái sử dụng. 
    • Nước hồ sẽ là nguồn nước cấp chính cho thành phố Phú Quốc. 
  • Công trình đầu mối 
    • Giai đoạn 2030: 
      • Nâng công suất nhà máy nước Dương Đông lên 45.000 m3/ngày đêm. 
      • Xây mới hồ Cửa Cạn dung tích 10 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Cửa Cạn, công suất dự kiến 50.000 m3/ngày đêm. 
      • Xây mới hồ Rạch Cá, dung tích 02 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Rạch Cá, công suất dự kiến 12.000 m3/ngày đêm. 
      • Xây mới hồ Suối Lớn, dung tích 04 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Suối Lớn, công suất dự kiến 25.000 m3/ngày đêm. 
    • Giai đoạn 2040
      • Nâng công suất nhà máy nước hồ Cửa Cạn lên 70.000 m3/ngày đêm và xem xét nâng công suất các hồ chứa hiện hữu để đáp ứng yêu cầu cấp nước cho thành phố. 
      • Xây mới hồ Rạch Tràm, dung tích 03 triệu m3, tại khu vực này xây dựng nhà máy nước hồ Rạch Tràm, công suất dự kiến 15.000 m3/ngày đêm. 
      • Để phục vụ nhu cầu cấp nước bền vững và lâu dài cần có các giải pháp khác như: Xây bể tích trữ nước mưa trong từng công trình và nghiên cứu phương án tái sử dụng nước, làm sạch nước thải tới mức có thể sử dụng được cho việc dùng cho vệ sinh, rửa sàn, tưới cây, sân gôn…. Nước sạch chỉ dùng cho mục đích ăn uống, tắm. 

Định hướng quy hoạch cung cấp năng lượng

  • Nguồn điện cấp cho thành phố Phú Quốc được cấp từ hệ thống điện quốc gia thông qua các trạm nguồn hiện có và xây mới. Nghiên cứu, khai thác tiềm năng điện năng lượng tái tạo ở các khu vực có điều kiện thuận lợi như tại xã đảo Thổ Châu, quần đảo Nam An Thới; khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu tại các dự án, nhà ở, công trình công cộng. 
  • Lưới điện cao thế: 
    • Tiếp tục hoàn thiện tuyến đường dây mạch kép 220kV Kiên Bình – Phủ Quốc, giai đoạn đầu vận hành ở cấp điện áp 110 kV. 
    • Xây dựng mới tuyến đường dây mạch kép 110kV Phú Quốc – 110kV Nam Phú Quốc, đoạn qua khu vực loa tĩnh không sân bay Phú Quốc sử dụng cáp ngầm. 
    • Xây dựng mới tuyến đường dây mạch kép 110kV Phú Quốc – 110kV Bắc Phú Quốc. 
  • Lưới trung thế:
    • Lưới trung thế phải đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn, đáp ứng nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; hoàn thiện hệ thống lưới điện theo tiêu chí N-1. Lưới điện trung thế được thiết kế mạch vòng, vận hành hở, sử dụng cấp điện áp 22 kV. 
    • Tiếp tục phát triển thêm các trạm biến áp phân phối 22/0,4 kV để đáp ứng phụ tải của khu vực. Các trạm phân phối khu vực trung tâm dùng trạm xây hoặc trạm kios, các khu vực khác phân tán hoặc công nghiệp có thể dùng trạm treo, trạm xây. Bán kính cấp điện của mỗi trạm phân phối <300 m. 
  • Lưới điện hạ thế: Hệ thống điện hạ thế được thiết kế hình tia trừ các phụ tải khu vực trung tâm có yêu cầu đặc biệt thì thiết kế mạch vòng, sử dụng cấp điện áp 380/220V ba pha 04 dây trung tính nối đất trực tiếp. Bán kính lưới điện hạ thế đối với khu vực dân cư phân tán không quá 500m, ở khu vực dân cư tập trung bán kính hạ thế không quá 300 m. 

Định hướng quy hoạch thoát nước thải 

  • Tiêu chuẩn thoát nước thải lấy bằng tiêu chuẩn cấp nước. 
  • Dự kiến xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt: 
    • Khu vực Dương Đông: Xây dựng 05 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 40.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực Bãi Trường: Xây dựng 03 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 21.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực Bãi Ông Lang Cửa Cạn: Xây dựng 06 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 16.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực Bãi Vòng: Xây dựng 02 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 9.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực An Thới: Xây dựng 02 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 15.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực Vịnh Đầm: Xây dựng 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công suất 3.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực ven biển phía Đông rừng quốc gia: Xây dựng 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, công suất 3.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực ven biển phía Bắc rừng quốc gia: Xây dựng 02 trạm xử lý nước thải sinh hoạt, tổng công suất 3.000 m3/ngày đêm. 
    • Khu vực ven biển phía Tây Bắc rừng quốc gia: Xử lý nước thải cục bộ tại dự án. 
    • Khu vực quần đảo Nam An Thới: Xử lý nước thải cục bộ tại dự án. 
    • Khu vực xã Thổ Châu: Xây dựng 01 trạm xử lý nước thải, công suất 500 m3/ngày đêm. 
  • Nước thải sau xử lý đạt loại A, theo QCVN 14:2008/BTNMT. 
  • Nước thải tiểu thủ công nghiệp: Xây dựng các trạm xử lý cục bộ đảm bảo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. 

Định hướng quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR)

  • Chất thải rắn sinh hoạt: Được thu gom, phân loại tại nguồn phát sinh thành hai loại vô cơ và hữu cơ, sau đó vận chuyển đưa về khu xử lý CTR tập trung của thành phố. 
  • Tiếp tục đầu tư, nâng công suất khu xử lý rác thải tại ấp Bãi Bổn, xã Hàm Ninh; đến năm 2040 mở rộng diện tích khu xử lý hiện có lên 25 ha. 
  • Xây dựng 02 khu xử lý mới quy mô 5 – 10 ha tại khu vực xã Cửa Dương và khu vực An Thới. 

Định hướng quy hoạch nghĩa trang

  • Mở rộng nghĩa trang nhân dân hiện trạng. 
  • Xây dựng nhà hoả táng, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng

Định hướng quy hoạch viễn thông và bưu chính

  • Về dịch vụ viễn thông: Đảm bảo nhu cầu về dịch vụ viễn thông của người dân đều được đáp ứng, bao gồm: Dịch vụ gọi điện thoại cơ bản; dịch vụ truy nhập Internet tốc độ cao; các dịch vụ truyền hình số,… 
  • Về hạ tầng mạng lưới viễn thông di động: Phát triển hạ tầng mạng lưới hạ tầng thông tin di động theo hướng ưu tiên sử dụng chung với cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác, sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế phát triển đô thị thông minh; phát triển mở rộng hệ thống mạng không dây công cộng để bảo đảm khả năng sử dụng Internet băng rộng đến người dân, du khách tại các điểm công cộng. 
  • Về hạ tầng mạng lưới truyền dẫn hữu tuyến: Sử dụng các công nghệ chuyển mạch trục hiện đại, phù hợp với sự phát triển, bảo đảm băng thông truyền dẫn cho các dịch vụ viễn thông băng rộng khác như lưu trữ, truyền tải video, hình ảnh, dữ liệu, điện toán đám mây,… đáp ứng phát triển đô thị thông minh; ngầm hóa mạng cáp viễn thông ngoại vi và phối hợp với chỉnh trang trong khu vực trung tâm thành phố và các khu vực đô thị mới, khu du lịch,.. nâng cấp và mở rộng phạm vi kết nối cho Mạng đô thị thành phố, bảo đảm kết nối đến các cơ sở, đơn vị của chính quyền thành phố và của tỉnh. 
  • Phát triển dịch vụ bưu chính theo hướng đa dạng hóa, cung cấp tất cả các dịch vụ đến các điểm phục vụ, chú trọng tới phát triển các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính và các dịch vụ ứng dụng trên nền công nghệ thông tin. 

Quy hoạch phát triển không gian ngầm thành phố Phú Quốc đến năm 2040

  • Xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, kết nối với bãi đỗ xe và hầm đi bộ ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, phục vụ nhu cầu của người dân đô thị và du khách tại các khu vực trọng tâm đô thị.
  • Xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở những vị trí có khả năng kết nối với khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm, ưu tiên xây dựng lỗi đi bộ ngầm kết nối giữa các khu thương mại, dịch vụ và tại các nút giao thông trên các tuyến trục chính Bắc Nam chạy dọc bờ biển và tại các khu vực đô thị có mật độ cao.
  • Các tuyến đường phố mới xây dựng hoặc cải tạo, mở rộng cần đầu tư xây dựng các công trình cống, hộp kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để bố trí, lắp đặt các đường dây và đường ống kỹ thuật theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với các đô thị cũ, đô thị cải tạo (khu vực tập trung dân cư tại phường Dương Đông và An Thới) phải có kế hoạch đầu tư xây dựng cống, hộp kỹ thuật hoặc hào, tuy nen kỹ thuật để từng bước hạ ngầm đường dây, cáp nổi theo quy định.
5
(4 bình chọn)
Article Rating