Ngân hàng vẫn “mê” bất động sản

Điểm chung dễ thấy của các ngân hàng dành đáng kể nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng là nợ xấu cao, lợi nhuận thấp cùng nhiều hệ luỵ khác.

Đầu tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Chỉ thị 04/CT-NHNN về triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm. Một nội dung đáng chú ý là yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BT, BOT; thậm chí có thể thanh tra đột xuất các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng cao vào những lĩnh vực này.

Đây là thông điệp mới nhất của NHNN về siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao. Cuối năm 2017, cơ quan này ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36/2014, trong đó giới hạn tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn trong năm 2018 là 45% và giảm về 40% từ đầu năm 2019.

Không dễ giảm tỷ lệ tín dụng chảy vào bất động sản.
Không dễ giảm tỷ lệ tín dụng chảy vào bất động sản.

So sánh với năm 2015, tỷ lệ này được cho phép lên tới 60%. Siết chặt lạm dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là bắt buộc phải làm, xét trong bối cảnh chung vẫn còn nhiều bất ổn từ các tổ chức tín dụng. Việc cho vay quá đà vào nhóm ngành rủi ro cao đã khiến hệ thống ngân hàng Việt Nam yếu đi và bộc lộ nhiều nhược điểm tai hại sau khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối thập kỷ trước, mà dư âm tới nay vẫn còn hiển hiện, với loạt ngân hàng 0 đồng và nhiều nhà băng khác phải hoạt động theo các “phương án tái cơ cấu được phê duyệt”.

Nhìn chung, những tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay cao trong lĩnh vực bất động sản phần nhiều là ngân hàng ngoài quốc doanh với cổ đông lớn là các tập đoàn bất động sản tư nhân.

Có lập luận rằng các ngân hàng này chủ yếu cho vay ‘sân sau’. Dĩ nhiên đây chỉ là một giả thiết và tính chính xác cần phải được cơ quan chức năng xác minh. Tuy nhiên trong quá khứ có không ít trường hợp có thể mang tới những hình dung cụ thể, như ông Trầm Bê tại Sacombank, ông Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn tại TrustBank (Sau là VNCB), ông Nguyễn Đức Kiên tại ACB, ông Trần Phương Bình tại Đông Á Bank hay ông Hà Văn Thắm tại OceanBank.

Và nữa, điểm chung của các ngân hàng ‘mê’ cho vay bất động sản là nợ xấu cao, lợi nhuận thấp, không có nguồn lực để mở rộng quy mô hoạt động…Đây là một trong những nguyên do chính yếu khiến NHNN phải siết chặt các quy định đối với lĩnh vực chịu nhiều rủi ro này.

Thực hiện theo yêu cầu của NHNN, phần lớn các TCTD đã nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào tín dụng bất động sản, xây dựng. Tuy nhiên hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng duy trì tỷ lệ cao, thậm chí tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018, như BaoVietBank tăng từ 32,5% lên 32,85%, OCB tăng từ 22,18% lên 23,8%, biên độ tăng mạnh nhất phải kể đến KienLongBank (từ 14% lên 18%).

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, tới cuối tháng 6/2018, VietBank là ngân hàng có tỷ lệ cho vay nhóm ngành xây dựng, bất động sản cao nhất, lên tới 38,65%, dù giảm nhẹ so với đầu năm (39,23%), song vẫn cao gần gấp đôi cuối năm 2016 (20,25%). Các ngân hàng có tỷ lệ trên 20% là SHB (21,14%), NCB (20,15%), NamABank (23,3%).

Một số trường hợp khác không công bố số liệu chi tiết cho năm 2018, tuy nhiên tỷ lệ tới cuối năm 2017 cũng rất cao như LienVietPostBank (38%), MaritimeBank (33,83%). Tại thời điểm cuối năm 2016, con số này đối với VietCapitalBank là 43%, SeaBank là 30,1%.

Với hai ngân hàng có công ty tài chính mạnh là VPBank và HDBank, tỷ lệ cho vay nhóm ngành xây dựng, bất động sản lần lượt là 13,57% (cuối năm 2017 với VPBank) và 15,91% (cuối tháng 6/2018 với HDBank), không cao hơn nhiều so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, nếu NHNN tới đây yêu cầu phân loại cho vay tiêu dùng để sửa chữa, mua nhà…vào tín dụng bất động sản, thì tỷ lệ này được dự đoán sẽ tăng mạnh và giới phân tích sẽ có cái nhìn chính xác hơn đối với hai nhà băng này.

Theo Nghi Điền/nhadautu

 
Article Rating
  • Ông Phú Nguyễn, tên đầy đủ là NGUYỄN VĂN PHÚ hiện là Co-Founder, CEO của Công ty Cổ phần địa ốc WIKI – WIKILAND.
  • Năm 2016, Ông cùng các cộng sự thành lập công ty cổ phần địa ốc Wiki (WikiLand)
  • Ông mong muốn chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm của mình để các Nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường Bất động sản; qua đó có những phương án đầu tư thực sự hợp lý theo từng giai đoạn. Đây cũng là đóng góp phần nhỏ trong sự phát triển chung của thị trường Bất động sản.
  • Bên cạnh đó Ông cũng chia sẻ những trải nghiệm của mình với Nhân viên kinh doanh của thị trường Bất Động Sản với hy vọng tất cả mọi người làm việc bằng cái tâm với nghề và luôn đem đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, nhà đầu tư cũng như các đối tác, chủ đầu tư.