Sổ hồng là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”, là một trong những loại giấy tờ quyền lực của ngành bất động sản. Một số người vẫn còn hoang mang về khái niệm sổ hồng và sổ đỏ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải tỏa tất cả những thắc mắc về sổ hồng: làm sổ, cấp sổ, thời hạn, pháp lý, giá trị sổ hồng,…
Sổ hồng là gì?
Hiện nay, không có một văn bản nào quy định về khái niệm sổ hồng. Sổ hồng là thuật ngữ được sử dụng để gọi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sổ hồng là tên gọi của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Mọi người thường gọi là sổ hồng vì dựa trên màu sắc của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” tại đô thị (thị trấn, nội thành, nội thị xã) do Bộ Xây dựng ban hành.
Sổ hồng cũng là một thuật ngữ pháp lý không được công nhận theo quy định của pháp luật.
Trước ngày 10/12/2009, ở Việt Nam tồn tại loại Giấy chứng nhận mà bìa có màu hồng dùng để chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (thường gọi là Sổ hồng theo mẫu của Bộ Xây dựng) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa màu đỏ – thường gọi là Sổ đỏ theo mẫu của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Từ ngày 10/12/2009, khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực thì người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận theo một mẫu thống nhất với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Lưu ý: Tuy từ ngày 10/12/2009, chỉ cấp một loại Giấy chứng nhận theo mẫu chung (có bìa màu hồng cánh sen) nhưng các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được cấp trước đó vẫn có giá trị pháp lý và không bắt buộc cấp đổi sang mẫu Giấy chứng nhận mới.
Như vậy, “Sổ hồng” là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Bạn đang xem: » Sổ hồng là gì? Giải đáp tất tần tật về sổ hồng
Phân biệt sự khác nhau giữa sổ đỏ và sổ hồng
Cơ quan ban hành và thời gian cấp sổ
Sổ hồng và sổ đỏ là hai loại giấy tờ pháp lý quan trọng.
- Sổ hồng: “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” được cấp bởi Bộ xây dựng trước ngày 10/8/2005, đổi thành “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng” và được cấp từ ngày 10/8/2005 đến trước ngày 10/12/2009.
- Sổ đỏ: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do Bộ Tài Nguyên và Môi trường ban hành trước ngày 10/12/2009 với tên gọi pháp lý là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”
Đối tượng sử dụng
Đối tượng sử dụng của sổ hồng và sổ đỏ có sự khác biệt nhất định.
- Sổ hồng được sở hữu bởi chủ nhà, đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư.
- Sổ đỏ chứng minh quyền sử dụng đất và là công cụ bảo vệ quyền hạn, lợi ích của chủ sở hữu đất.
Khu vực được cấp sổ
- Sổ hồng (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng) có khu vực cấp sổ là đô thị.
- Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có khu vực cấp ngoài đô thị.
Loại đất được cấp sổ
Loại đất được cấp sổ giữa sổ hồng và sổ đỏ cũng có sự nhau. Sổ hồng sẽ được cấp cho đất ở đô thị, còn sổ đỏ được cấp cho loại đất ở nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và khu làm muối.
Sổ đỏ hay sổ hồng có giá trị pháp lý cao hơn?
Giá trị pháp lý
Sổ hồng và sổ đỏ đều có giá trị pháp lý thể hiện ở tài sản được ghi nhận quyền bao gồm quyền sử dụng đối với đất và quyền sở hữu đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, “sổ” chỉ là “giấy” ghi nhận quyền gắn liền với đất đai còn bản thân sổ thì không có giá trị độc lập.
Giá trị thực tế
Giá trị của những tài sản như thửa đất, nhà ở,… quy định giá trị thực tế của sổ đỏ và sổ hồng.
Nghị định 88/2009/NĐ-CP đã quy định thống nhất hai loại giấy nêu trên thành một loại giấy chung có tên gọi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Tại Luật Đất đai 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định là loại giấy cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.
Trường hợp, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đã được cấp trước ngày 10/12/2009 khi vẫn còn giá trị pháp lý thì sẽ không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Nếu có nhu cầu được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong khi đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10/12/2009 thì vẫn sẽ được đổi.
Đọc thông tin ghi trên sổ hồng【Cập nhật】12/2024
Đọc thông tin chủ sở hữu tài sản trên sổ đỏ, sổ hồng
Việc đầu tiên khi xem sổ đỏ hay sổ hồng là chú ý tới người đứng tên sổ tại mục người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được ghi ngay trên trang bìa và phần chú thích tại mục IV của giấy chứng nhận nhằm mục đích là xem giấy chứng nhận đó đã được chuyển nhượng, sang tên cho chủ sở hữu khác không.
Khi xem thông tin chủ sở hữu tài sản thì bạn cần chú ý tới một số vấn đề sau:
- Xác định được chủ sở hữu quyền sử dụng đất được ghi ở trang bìa
- Đối chiếu giấy tờ cá nhân và thông tin trên giấy chứng nhận có khớp với nhau không
- Xác định xem sổ cá nhân gia đình 2 vợ chồng đứng tên. Sổ hộ gia đình có chung 1 người đại diện và kèm theo phần ghi chú là tài sản chung của hộ gia đình. Sổ đỏ chung. Sổ của người dưới 18 tuổi sẽ có thông tin người giám hộ ngay trang bìa
Mẫu phôi giấy chứng nhận hay Số vào sổ giấy chứng nhận – Số sổ đỏ, sổ hồng
Kể từ ngày 10/12/2009 đến nay, Chính phủ đã áp dụng chung một mẫu sổ cho cả 2 loại bao gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ) và giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (Sổ hồng đậm) thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Sổ hồng cánh sen)
Phía góc dưới của trang bìa chính là số phôi hay thường gọi là số sổ đỏ, sổ hồng. Nhà nước in mẫu xong sẽ gửi về từng địa phương. Sau đó, chính quyền địa phương cấp sổ cho ai thì địa phương sẽ theo dõi dựa theo số phôi đã được cấp trên sổ đó.
Số phôi này sẽ được ghi ở cả trang bìa và trang 2 của sổ tại mục “số vào sổ cấp giấy chứng nhận” (thường được ghi cuối trang thứ 2 của cuốn sổ)
Thông qua số vào sổ cấp giấy chứng nhận này, bạn cũng có thể biết được nơi cấp Giấy chứng nhận đó. Với trường hợp cấp đổi, cấp lại, cấp khi chuyển quyền sử dụng thì chữ ký và con dấu của Sở Tài nguyên và Môi trường; Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận: CSxxxxx (trong đó CS là cấp Sở và năm chữ số).
Thông tin thửa đất
Khi xem thông tin thửa đất bạn sẽ cần đọc các thông tin tại mục II và III của sổ
- Số hiệu thửa đất, số tờ bản đồ và địa chỉ thửa đất
- Diện tích được công nhận và không được công nhận. Phần diện tích được phép xây dựng. Hoặc diện tích đất lưu thông, phần diện tích sử dụng chung hoặc ngõ đi chung
- Xác định được chiều dài, chiều rộng thực tế của thửa đất trên sổ
- Xác định hướng của thửa đất. Mặc định, các hướng Đông – Tây – Nam – Bắc sẽ tương ứng với các cạnh của giấy chứng nhận: Cạnh trên sẽ là hướng Bắc và các hướng còn lại sẽ tương ứng với các cạnh còn lại của Giấy chứng nhận.
- Xác định hình thức sử dụng, mục đích sử dụng và thời gian sử dụng
- Xác định được tài sản gắn liền với đất
- Xác định được nguồn gốc sử dụng đất tương ứng với mục đích sử dụng đất. Ví dụ: mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, đất sản xuất kinh doanh DVTM thì nguồn gốc sử dụng sẽ là giao đất có thu tiền sử dụng đất
Thông tin nhà ở
Xem thông tin nhà ở bạn sẽ chỉ cần chú ý tới các thông tin tại mục II của sổ với các hạng mục như:
- Địa chỉ nhà ở
- Diện tích xây dựng là diện tích nhà được xây dựng trên thửa đất
- Diện tích sàn là diện tích mặt bằng xây dựng (Nếu xây đủ thì tính bằng diện tích xây dựng x số tầng)
- Kết cấu
- Cấp (hạng): cấp 2, cấp 3 hay cấp 4
Thông tin quy hoạch
Xem thông tin quy hoạch tại mục III của giấy chứng nhận là cách làm cơ bản nhất tuy nhiên cách này sẽ không thể cập nhật theo tình trạng quy hoạch thực tế. Bạn có thể chú ý tới một số chi tiết như sau:
- Xem thông tin quy hoạch ở phần ghi chú bao gồm cả các thông tin đền bù nếu nằm trong vùng quy hoạch
- Xác định phần diện tích nằm trong vùng quy hoạch, thường là mục bị gạch chéo tại mục III sơ đồ thửa đất
- Xem thông tin quy hoạch bằng cách căn cứ vào tọa độ và sử dụng phần mềm
Nội dung phần ghi chú điều 6 của mục II
Đây là phần ghi chú quan trọng nên được lưu ý khi xem sổ đỏ, sổ hồng
- Phần ghi chú này thường ghi nhận chuyển nhượng từ giấy chứng nhận nào, từ khi nào, do cơ quan nào cấp, đất có vướng quy hoạch không,…
- Hoặc được mua bán theo điều lệ tại ND 61
Đọc thông tin trên sổ đỏ, sổ hồng về các lưu ý khác tại mục IV
Khi có các thông tin bổ sung về tài sản sẽ được ghi trong mục IV. Một số thông tin có thể xuất hiện bao gồm:
- Ghi thông tin bị hạn chế như hạn chế quyền chuyển nhượng,…
- Ghi các thông tin về nghĩa vụ tài chính, sang nhượng được không hoặc tình trạng thế chấp, có thể vay thế chấp ngân hàng không,…
- Ghi các thông tin về sang nhượng, chuyển đổi chủ sở hữu
- Ghi thông tin thay đổi mục đích sử dụng đất
- Ghi các thông tin sửa đổi giấy chứng nhận
Các thông tin bổ sung về tài sản sẽ được ghi trong mục IV.
Các trường hợp được cấp sổ hồng
Tại Điều 99 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
- Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 Luật Đất đai 2013;
- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2014);
- Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
- Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai;
Theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
- Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
- Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
- Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
- Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Sổ hồng có giá trị bao nhiêu năm?
Ở trang 2 của sổ hồng có ghi rõ thời hạn sử dụng của sổ hồng lên tới 50 năm đối với chung cư. Bên cạnh đó, đối với những công trình khác gồm:
- Thời hạn sổ hồng chung cư là 20 năm khi công trình cấp 4
- Thời hạn sổ hồng chung cư là 20 đến 50 năm khi công trình cấp 3
- Thời hạn sổ hồng chung cư là 50 đến 100 năm khi công trình cấp 2
- Thời hạn sổ hồng chung cư trên 100 năm khi công trình cấp 1
Cách tính thời hạn theo cấp công trình xây dựng dựa trên phụ lục phân cấp các loại công trình xây dựng phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng được ban hành kèm theo thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 của Bộ Xây Dựng.
Thời hạn xin cấp sổ hồng là bao lâu?
Pháp luật đất đai quy định thời gian tối đa mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) tại Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định hướng 43/2014 hướng dẫn Luật đất đai 2013. Theo đó:
- Đối với cấp sổ hồng lần đầu thì thời gian cơ quan nhà nước thực hiện sẽ không quá 30 ngày;
- Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện thủ tục cấp sổ hồng được tăng thêm 10 ngày (không quá 40 ngày).
Chủ sở hữu đất cũng nên chú ý rằng, thời gian được nêu trên được tính kể từ này cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ hợp lệ và không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật; không tính thời gian mà chủ sử dụng đất hoàn thành các nghĩa vụ tài chính hay xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết.
Như vậy, theo quy định pháp luật, thời gian cấp sổ hồng tối đa có thể lên tới 33 – 43 ngày làm việc, nếu hồ sơ bạn nộp hợp lệ.
Nhà ở xã hội có sổ hồng vĩnh viễn không?
Khoản 1 Điều 99 Luật Nhà ở năm 2014 quy định thời hạn sử dụng chung cư như sau:
“Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định căn cứ vào cấp công trình xây dựng và kết luận kiểm định chất lượng của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư theo quy định tại khoản 2 Điều này. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kiểm định chất lượng nhà ở.”
Ngoài ra, khi chung cư hết niên hạn sử dụng thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh sẽ tiến hành kiểm định:
- Nếu nhà chung cư bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu chung cư được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết luận kiểm định.
- Nếu nhà chung cư có nguy cơ sập đổ, bị hư hỏng nặng, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng thì ban hành kết luận kiểm định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu căn hộ.
Tóm lại, giá trị pháp lý của Sổ hồng phụ thuộc vào thời hạn sử dụng nhà ở. Pháp luật không ấn định thời hạn là 50 năm nhưng thông thường sẽ ghi 50 năm; khi hết 50 năm thì vẫn được tiếp tục sử dụng chung cư nếu nhà chung cư bảo đảm chất lượng.
Mua bán chung cư chưa có sổ hồng có được không?
Theo Điều 118 Luật Nhà ở năm 2014; một trong những điều kiện mua bán nhà ở là phải có Giấy chứng nhận; trừ trường hợp mua bán nhà ở hình thành trong tương lai (là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng).
Tuy nhiên, dù chưa có Giấy chứng nhận (Sổ hồng); thì vẫn được phép mua bán nhà ở bằng hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; cụ thể:
Căn cứ theo Điều 123 Luật Nhà ở năm 2014; trường hợp chung cư chưa có Sổ hồng; thì được phép bán thông qua hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại.
Điều kiện chuyển nhượng
Theo khoản 2 Điều 123 Luật Nhà ở năm 2014 được hướng dẫn chi tiết bởi Điều 32 Thông tư 19/2016/TT-BXD; điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại như sau:
- Tổ chức, cá nhân mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại chưa nhận bàn giao nhà ở hoặc đã nhận bàn giao nhà ở.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hình thức mua bán
Theo khoản 1 Điều 123 Luật Nhà ở năm 2014; việc mua bán nhà ở phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 121 Luật Nhà ở.
Câu hỏi thường gặp
Sổ hồng là gì?
Hiện nay, không có một văn bản nào quy định về khái niệm sổ hồng. Mọi người thường gọi là sổ hồng vì dựa trên màu sắc của “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Tóm lại, sổ hồng là thuật ngữ được sử dụng để gọi u0022Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” dựa vào màu sắc bên ngoài của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời gian cấp sổ hồng bao lâu?
Theo quy định pháp luật, thời gian cấp sổ hồng tối đa có thể lên tới 33 – 43 ngày làm việc, nếu hồ sơ bạn nộp hợp lệ.
Sổ hồng hoàn công là gì?
Sổ hồng hoàn công còn có tên gọi khác là hoàn công xây dựng. Đây là thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng công trình nhà cửa nhằm mục đích xác nhận việc họ đã hoàn thành công trình xây dựng sau khi đã được cấp giấy phép xây dựng. Đồng thời, ghi nhận việc thực hiện xong việc thi công có nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Sổ hoàn công là điều kiện để chủ nhà xin cấp đổi lại giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cửa cùng tài sản gắn liền với đất đai.
Sổ hồng công chứng vi bằng là gì?
Sổ hồng công chứng vi bằng thường được hiểu là việc mua bán bất động sản sẽ được thực hiện công chứng vi bằng với biên bản được lập ra và ghi nhận bởi văn phòng Thừa Phát Lại địa phương. Công chứng vi bằng được thực hiện đối với bất động sản được mua hoặc bán chưa có sổ hồng để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thường lệ. Lúc này, công chứng vi bằng trở thành biên bản chứng thực xác nhận nghĩa vụ trả nhận tiền giữa bên bán và bên mua.
Làm sổ hồng mất bao lâu?
Thời gian làm sổ hồng chỉ được quy định về thời hạn tối đa và không có quy định thời hạn tối thiểu cho quá trình thực hiện thủ tục. Tuỳ theo điều kiện thực tế của từng trường hợp xin cấp sổ hồng mà thời gian làm sổ hồng ở mỗi quận, huyện có thể có thời gian khác nhau tùy thuộc vào quy định của mỗi nơi. Thông thường, thủ tục làm sổ hồng thường mất khoảng 30 – 45 ngày, nếu bạn chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và không phát sinh vấn đề ngoài ý muốn.