Ưu tiên nguồn lực 6 sân bay trọng yếu, ACV kêu gọi nhà đầu tư tư nhân

Các nhà đầu tư tư nhân sẽ có nhiều cơ hội đầu tư hạ tầng hàng không hơn khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ ưu tiên nguồn lực để đầu tư vào 6 sân bay trọng yếu.

Sự phân cấp mạnh giữa các nhóm sân bay

Vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã trình lên Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”
Trong vòng 6 tháng qua, đây là lần thứ 3 đề án được hoàn thiện để phê duyệt. Theo ông Phạm Văn Hảo – Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – đề án đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan trung ương, cán bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp ngành hàng không.

Bạn đang xem: » Ưu tiên nguồn lực 6 sân bay trọng yếu, ACV kêu gọi nhà đầu tư tư nhân

Sân bay phú quốc có sự thay đổi từ nhóm 3 sang nhóm 1 trong danh sách phân loại của acv
Sân bay Phú Quốc có sự thay đổi từ Nhóm 3 sang Nhóm 1 trong danh sách phân loại của ACV

Trong đó, Cục Hàng không Việt Nam vẫn kiến nghị phân loại 21 sân bay hiện hữu do ACV quản lý thành 5 nhóm.

Nhóm 1 bao gồm các sân bay: Nội Bài, Đà Nẵng, Long Thành, Tân Sân Nhất và Phú Quốc được chuyển từ nhóm 3 sang nhóm 1. Đây là nhóm các cảng hàng không quốc tế quan trọng của đất nước, giữ vai trò trọng yếu trong việc gom hành khách, hàng hóa để kết nối với mạng lưới các đường bay nội địa và quốc tế.

Nhóm 2 bao gồm các sân bay: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa là nhóm các sân bay do Bộ Quốc phòng quản lý, có các hoạt động quân sự, huấn luyện quân sự thường xuyên.

Nhóm 3 gồm các sân bay ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, cân đối thu chi khó khăn, có công suất quy hoạch đến năm 2030 nhỏ hơn 5 triệu hành khách/năm như: Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Rạch Gía, Cà Mau, Côn Đảo

Nhóm 4 là những sân bay có công suất quy hoạch đến năm 2030 lớn hơn 5 triệu hành khách/năm, có tiềm năng phát triển, có khả năng thu hút các nhà đầu tư, không có hoạt động quân sự thường xuyên bao gồm: Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Liên Khương, Cần Thơ.

Nhóm 5 bao gồm các sân bay mới như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu và các Cảng hàng không tiềm năng như Cao Bằng, Hải Phòng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ Đô.

Đối với Nhóm 1, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT bố trí vốn đầu tư khu bay; ACV bố trí vốn đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại và huy động 100% nguồn vốn xã hội để đầu tư các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không theo hình thức đầu tư kinh doanh.

Với nhóm 2, trong trường hợp Bộ Quốc phòng bàn giao khu bay cho Bộ GTVT hoặc địa phương quản lý, cơ quan soạn thảo Đề án đề xuất huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn bộ sân bay theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hiện có để tham gia dự án.

Tại nhóm 3 và nhóm 4 sẽ có sự thay đổi lớn trong cơ chế quản lý, đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT chuyển giao khu bay và ACV chuyển giao các công trình hạ tầng thiết yếu còn lại cho địa phương huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức PPP

Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị đối với nhóm 5 là huy động nguồn vốn xã hội đầu tư toàn theo hình thức PPP và bàn giao cho UBND các tỉnh có quy hoạch sân bay mới là cơ quan có thẩm quyền đầu tư theo phương thức PPP chủ động huy động, tổ chức thực hiện đầu tư.

Dòng tiền của ACV bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ GTVT trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 479.606 tỷ đồng, trong đó nhu cầu của các công trình thiết yếu của sân bay giai đoạn 2021-2030 khoảng 403.106 tỷ đồng

Từ cuối năm 2019, ACV báo cáo đã bố trí đủ 100% nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư các công trình thiết yếu theo quy hoạch của 21 sân bay do ACV quản lý, khai thác giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, ACV cũng bố trí được hơn 36.000 tỷ đồng từ vốn tích lũy tự có của doanh nghiệp để đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I. Tiếp đến giai đoạn 2026-2030, ACV vẫn tiếp tục đảm bảo dòng tiền đầu tư đối với nhu cầu vốn cho các công trình thiết yếu của các sân bay.

Tuy nhiên, với sự ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2022-2025 của ACV bị giảm sút nghiêm trọng gây ra sự khó khăn lớn về dòng tiền, vì vậy ACV không đủ nguồn lực để cân đối phát triển 21 sân bay do ACV đang quản lý, khai thác. “Vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, ACV sẽ phải tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn I và các sân bay đang đầu tư như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên”, ông Hảo đưa thông tin.

Dòng tiền của acv bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch covid
Dòng tiền của ACV bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid

Theo lãnh đạo của Cục Hàng không Việt Nam, vì đề án được xây dựng trong điều kiện những quy định của pháp luật về nhượng quyền khai thác và đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không chưa hoàn thiện; quy định và thực tiễn quản lý, sử dụng đất đai tại các sân bay hiện còn gặp nhiều bất cập,… nên việc thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân cần được xem xét kỹ lượng, thấu đáo.

Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến về các định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không gồm: định hướng phân loại hệ thống cảng Hàng không; định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư của từng nhóm.

“Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với đề án định hướng này, Bộ GTVT sẽ triển khai Đề án “Phân cấp, phân quyền và giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Quy hoạch Tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc” để cụ thể hóa mô hình quản lý, phân cấp quản lý, giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn, cơ chế chính sách, lộ trình thực hiện và đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền cho ý kiến hoặc quyết định từng nội dung cụ thể”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Nếu tính cả phần vốn ngân sách nhà nước do Bộ GTVT huy động (khoảng 9.841 tỷ đồng), ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng (gồm vốn tự có 188.432 tỷ đồng và vốn vay thương mại 76.718 tỷ đồng), thì trong giai đoạn 2021 – 2030, tổng nguồn vốn thiếu hụt cần huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không lên tới 204.615 tỷ đồng.

 
Article Rating
  • Bà Khánh Yên, tên đầy đủ là NGUYỄN THỊ KHÁNH YÊN hiện là Co-Founder, Phó Tổng Giám Đốc của Công ty Cổ phần địa ốc WIKI – WIKILAND.
  • Năm 2016, Bà cùng đội ngũ cộng sự thành lập công ty cổ phần địa ốc Wiki
  • Bà mong muốn chia sẻ những kiến thức, trải nghiệm của mình để các Nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan hơn về thị trường Bất động sản. Và mong muốn đem những dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư. Bà cũng muốn được truyền cảm hứng về nghề đến với các bạn trẻ yêu thích công việc liên quan đến lĩnh vực Bất động sản