Sự xuất hiện của chính sách quà tặng đêm nghỉ
Trên thị trường Đầu tư Bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay phân ra các loại hình: Nhà phố thương mại (Shophouse/Shop villas), Khách sạn (Hotel/ Mini Hotel – Boutique Hotel) và Biệt thự (Villa)/ Căn hộ (Condotel) có cam kết lợi nhuận.
Nhà phố thương mại (Shophouse/ Shop villa ), Khách sạn (Hotel/ Mini Hotel – Boutique Hotel) là loại hình nhà đầu tư mua sản phẩm bất động sản để tự kinh doanh.
Biệt thự (Villa)/ Căn hộ (Condotel) là loại hình nhà đầu tư mua và giao lại cho Đơn vị quản lý (Chủ yếu là các tập đoàn khách sạn quốc tế) để họ tự vận hành và chia lại lợi nhuận kinh doanh với nhà đầu tư.
Với chính sách cam kết lợi nhuận 10% năm trong 03 năm đầu cộng thêm chính sách tặng 15 đêm nghỉ/năm trong 10 năm tại chính căn hộ của mình đã thu hút không ít nhà đầu tư đến với loại hình hấp dẫn này. Tuy nhiên đây chính là vấn đề khi thị trường đã đi vào vận hành.
Các nhà đầu tư đều biết rằng sau thời gian cam kết lợi nhuận 03 năm, lúc này sẽ đến thời gian chia lợi nhuận kinh doanh giữa Đơn vị vận hành và nhà đầu tư, và lợi nhuận này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lý vận hành, số lượng khách và giá phòng cho thuê. Nếu giá phòng cho thuê cao, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận nhiều hơn. Tất nhiên đây là điều mà hết thảy các nhà đầu tư đều mong muốn xảy ra để khoản đầu tư của mình sinh lời tốt nhất.
Tuy nhiên, sau khi nhận 15 đêm nghỉ/năm của mình, các nhà đầu tư hầu như không sử dụng hết số đêm nghỉ này (thông thường họ chỉ dùng 5-7 đêm/năm) và cũng có rất nhiều nhà đầu tư sở hữu cho mình 1-3 căn biệt thự/Căn hộ nên số đêm nghỉ dư ra theo đó mà tăng lên. Số đêm nghỉ không sử dụng này các nhà đầu tư đều mong muốn bán ra thị trường Voucher nghỉ dưỡng để kiếm thêm thu nhập.
Để bán nhanh các Voucher này, nhà đầu tư thường giảm giá bán phòng nghỉ của mình xuống dưới giá thị trường, điều đó làm xuất hiện các Voucher đêm nghỉ thấp hơn giá niêm yết do đơn vị quản lý vận hành đưa ra dẫn đến thị trường bị bóp méo, không đồng nhất về mức giá cho cùng 1 loại phòng nghỉ của cùng 1 khách sạn, cùng 1 đơn vị quản lý vận hành.
Điều này dẫn tới nhà đầu tư đang cạnh tranh làm giảm giá trị của chính sản phẩm của mình, ảnh hưởng tới chính lợi nhuận đầu tư của mình mà không hay.
Những biến đổi trong chính sách quà tặng đêm nghỉ từ phía chủ đầu tư
Nhận thấy vấn đề này sẽ làm xấu thị trường biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng trong tương lai, các chủ đầu tư đã có giải pháp không đưa gói quà tặng 15 đêm nghỉ/năm vào chính sách bán hàng nữa. Điển hình là chủ đầu tư VIN Group đã không đưa gói quà tặng này vào các dòng sản phẩm Condotel Grand World Phú Quốc mà chủ đầu tư này đang phân phối ra thị trường.
Với các sản phẩm đã bán ra hiện nay, chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành đang đứng trước thách thức khá nan giải làm sao vẫn giữ được giá phòng trên thị trường và dung hòa được lợi ích của các nhà đầu tư đã sở hữu 15 đêm nghỉ /năm này.
Qua đó, có thể nói các sản phẩm nghỉ dưỡng có cam kết lợi nhuận & tặng 15 đêm nghỉ/năm còn lại cho tới hiện nay ở Phú Quốc là các sản phẩm cuối cùng và trong tương lai các chủ đầu tư sẽ xiết chặt lại các chính sách này để thị trường đi vào ổn định và phát triển bền vững, vừa có lợi cho các bên: Chủ đầu tư, nhà đầu tư và đơn vị Vận hành.
Do vậy ảnh hưởng của chính sách quà tặng đêm nghỉ miễn phí đến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam là điều đáng lưu tâm của Chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành và cả nhà đầu tư.
Giá cho thuê phòng giảm làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị quản lý vận hành, giảm đi giá trị của sản phẩm cho thuê, ảnh hưởng đến thương hiệu của đơn vị quản lý vận hành, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận khai thác hàng năm của chính nhà đầu tư.
Do đó, cần có những giải pháp để giải quyết tình trạng trên, có thể một trong số đó là vẫn giữ quà tặng đêm nghỉ cho nhà đầu tư, nhưng chủ đầu tư hoặc đơn vị quản lý vận hành có phương án mua lại đêm nghỉ trong trường hợp nhà đầu tư không có nhu cầu sử dụng,…
Quý anh/ chị có góp ý hoặc phản hồi về bài viết Ảnh hưởng của chính sách quà tặng đêm nghỉ đến thị trường bđs nghỉ dưỡng., xin gửi mail về: info@wikiland.vn