UBND tỉnh Kiên Giang vừa báo cáo Kết quả xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo này, từ khi có chủ trương của Chính phủ về quy hoạch, phát triển đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch – nghĩ dưỡng chất lượng cao; đặc biệt giai đoạn gần đây, khi Quốc hội chuẩn bị xem xét Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; đồng thời với việc xây dựng Đề án đặc khu hành chính — kinh tế Phú Quốc tình hình giao dịch, chuyển nhượng về đất đai tăng bất thường về số lượng; giá đất tăng nhanh, tăng đột biến. Bên cạnh đó, tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng cũng gia tăng. Quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của chính quyền địa phương đôi lúc còn buông lỏng, thiếu kiên quyết, chủ động trong việc xử lý, ngăn chặn vi phạm.
UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý
Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, cũng như ngăn ngừa, xử lý các vi phạm phát sinh.
Song song với đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết đinh số 1581/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, xử lý việc chấp hành pháp luật xây dựng; sự phù hợp quy hoạch và tuân thủ quy định của pháp luật đối với việc tách thửa đất nông nghiệp; việc xây dựng và hoạt động của các cảng tạm trên địa bàn huyện Phú Quốc.
Theo đó, tính đến thời điểm 30/6/2018, qua kiểm tra 45 khu vực phân lô, tách thửa trên diện tích 74,96 ha, được tách thành 2.363 thửa, đã phát hiện 31 trường hợp vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích (làm đường bê tông trên đất nông nghiệp, gắn với việc phân lô tách thửa, chuyển nhượng đất nông nghiệp).
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiến hành lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp nêu trên. Đến nay đã xử lý, khắc phục tháo dỡ đường bê tông trên đất nông nghiệp của ba trường hợp với diện tích 2.134 m2. Các trường hợp còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, đã phát hiện 209/715 công trình được kiểm tra vi phạm về các hành vi như: Xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch,…. Hiện nay đã ban hành được 16 quyết định xử phạt với 22 công trình, khắc phục hậu quả tháo dỡ hai công trình….
Về việc lấn chiếm đất sông, suối, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm ta thực trạng của 12 trường hợp lấn suối với diện tích 10.480,6 m2. Đã tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt đối với các trường hợp trên. Đồng thời, đã khắc phục hậu quả bằng cách tháo dỡ công trình, nạo vét đất, trả lại diện tích bị lấn chiếm của 4 trường hợp với diện tích 3.449,5 m2. Các trường hợp còn lại đang hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục xử lý.
Đối với việc xử lý vi phạm về lấn, chiếm đất rừng và phá rừng, qua kiểm tra kết quả xử lý các trường hợp đã xử lý trước đây nhận thấy, đối với thẩm quyền xử lý của Chủ tịch UBND huyện còn 6 trường hợp chưa chấp hành hình thức phạt chính bằng tiền là 78 triệu đồng và 23 vụ việc chưa chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại diện tích đất rừng bị lấn, chiếm 73.987,23 m2 (thuộc khu vưc đất rừng phòng hộ).
Đối với thẩm quyền xử phạt của Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Quốc còn 7 vụ việc chưa chấp hành hình thức phạt chính bằng tiền 56 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả trả lại đất rừng lấn, chiếm diện tích 11.162 m2 (thuộc khu vực Vườn Quốc gia Phú Quốc).
Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra một số khu vực ranh giới của Vườn Quốc gia Phú Quốc cũng đã phát hiện một số trường hợp lấn, chiếm đất rừng bằng hình thức cắm trụ bê tông và hàng rào kẽm gai….
“Đến nay có thể nói tình hình chuyển nhượng, mua bán đất đai về cơ bản đã ổn định. Các vi phạm về đất đai, xây dựng đã được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Đặc biệt là việc phân lô, tách thửa, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp không còn tiếp diễn”, báo cáo nêu rõ.