5 Bài học lãnh đạo từ Hồ Chí Minh

Bác Hồ với tinh thần yêu nước vĩ đại luôn nghĩ cho dân tộc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là hiện thân của một lãnh đạo tài năng với lối phong cách ứng xử chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc, để lại bài học quý giá cho đội ngũ cán bộ quản lý ngày hôm nay.

Thứ nhất chính là cách ứng xử với đội ngũ cán bộ luôn dựa trên tình yêu thương, tôn trọng con người. Bác từng nói : “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác toàn tâm toàn ý quan tâm đến từng con người Việt Nam bởi một người lãnh đạo giỏi phải biết chân thành, tôn trọng, quan tâm và chia sẻ với cán bộ của mình.

Ảnh bác hồ chí minh - ảnh tư liệu
Ảnh Bác Hồ Chí Minh – Ảnh tư liệu

Thứ hai chính là khi tiếp xúc với mọi người phải thể hiện sự khiêm tốn, hòa nhã, điềm đạm, niềm nở, thân thiện không có sự cách biệt về chức vụ, địa vị, cấp trên với cấp dưới, cán bộ với quần chúng. Những câu từ Bác dùng rất bình dị khiến mọi người cảm thấy gần gũi như những người thân thuộc, như xưng bằng Bác, gọi người khác là chú, thím: “Chú ngã có đau không?”; “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?”.

Thứ ba là một người lãnh đạo giỏi phải biết dùng người; muốn quản lý con người thì phải hiểu về tâm lý và có tầm nhìn xa, cán bộ cần có kiến thức nhất định về tâm lý học nhân cách, tâm lý học lãnh đạo để có thể nắm bắt được những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới và quần chúng, từ đó có những cách thức tác động phù hợp. Tháng 2 năm 1941, Bác Hồ về Pác Bó, để trực tiếp chỉ đạo phong trào và bồi dưỡng cán bộ, khi có đồng chí nào rời hang đi công tác là Bác lại lo lắng, mong anh em được bình yên trở về. Khi thấy anh em về, câu đầu tiên Bác nói là hỏi han sức khoẻ, sau đó tuyên bố cho anh em nghỉ ngơi, tắm giặt, rồi mới làm việc. Lúc ấy, phong trào đang lên,nên anh em chúng tôi không ai muốn nghỉ, đợi được báo cáo tình hình,sau đó đi ngay nhưng Bác bắt phải nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. (do đ/c Hoàng Tô- Nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Khu tự trị Việt Bắc kể lại trong tập sách “Bác Hồ sống mãi với chúng ta”, sách do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia phát hành)

Thứ tư là lãnh đạo có trách nhiệm là người phải biết sử dụng quyền lực của mình một cách hợp lý, tuyệt đối không lạm dụng quyền lực. Một lãnh đạo tài năng phải biết lắng nghe, tranh thủ ý kiến của cấp dưới và quần chúng, đưa cán bộ nhân viên tham gia vào việc ra quyết định và thực hiện quyết định của lãnh đạo; đồng thời, giữ vững nguyên tắc, có tính quyết đoán, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, không dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể. Bác từng nói “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (X.Y.Z. Sửa đổi lề lối làm việc. Nxb Sự thật. Hà Nội 1959)

Chủ tịch hồ chí minh nói chuyện với công nhân nhà máy xe lửa gia lâm. Ảnh tư liệu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm. Ảnh tư liệu.

Cuối cùng chính là một người lãnh đạo có thể truyền cho cán bộ nhân viên của mình năng lượng tích cực với một tính khí hoạt bát, hòa nhã, vui vẻ. Để làm được như vậy họ phải biết kiểm soát cảm xúc, hành vi, tuyệt đối không được để rơi vào trạng thái nóng nảy. Vì vậy, trong mọi mối quan hệ, mọi trường hợp cần thật bình tĩnh, xử lý khéo léo tình huống để có được kết quả tốt nhất.

“Tự mình phải:
– Cần kiệm
– Hòa mà không tư
– Cả quyết sửa lỗi mình
– Cẩn thận mà không nhút nhát
– Hay hỏi
– Nhẫn nại
– Hay nghiên cứu, xem xét.

Đối với người phải:
– Với từng người thì phải khoan thứ…
– Với đoàn thể thì phải nghiêm…

Làm việc phải:
– Xem xét hoàn cảnh kỹ càng
– Quyết đoán
– Dũng cảm….”
( Hồ Chí Minh. Về vấn đề cán bộ. Nxb Sự thật. Hà Nội 1974)

5
(1 bình chọn)
Article Rating